Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Trung Quốc tung tiền thâu tóm công nghệ thế giới

Minh Đức

(TBKTSG) - Trung Quốc gần đây đã có sự thay đổi chiến thuật trong mô hình đầu tư ra nước ngoài: sử dụng vốn nhà nước để thâu tóm các công ty công nghệ cao và những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mang tính biểu tượng của thế giới.

Trường hợp điển hình

Cuối năm 2015, cổ phiếu của Aixtron, một công ty công nghệ cao của Đức, đã tụt dốc thảm hại sau khi bị khách hủy bỏ đơn hàng lớn vào phút chót. Vị “khách” này đến từ Trung Quốc. Đến tháng 5 vừa qua, khi giá cổ phiếu của Aixtron vẫn chưa ngóc đầu lên được, một nhà đầu tư khác cũng đến từ... Trung Quốc đã đứng ra đàm phán để mua lại công ty.

Đây không phải là một vụ mua bán đơn giản. Các hồ sơ tài chính và nhiều bằng chứng cho thấy, có những mối quan hệ nhất định giữa các đối tượng là vị khách hủy đơn hàng, người mua lại Aixtron và nhà nước Trung Quốc.

“Trường hợp của Aixtron là một ví dụ rõ ràng cho thấy, đây không phải là thương vụ đầu tư thông thường” - Sebastian Heilmann, Chủ tịch Viện Mercator về nghiên cứu Trung Quốc, một công ty tư vấn có trụ sở tại Berlin, khẳng định. “Chúng ta thấy vốn của chính phủ (Trung Quốc) đứng trong hậu trường”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng thể hiện rõ ý định của họ là sử dụng vốn nhà nước để thâu tóm công nghệ nước ngoài và mang chúng về nhà. Hàng loạt vụ mua bán trong những năm gần đây đã nêu bật chiến lược đó. Điều này dẫn tới một câu hỏi là cần phải đối xử như thế nào với các vụ mua bán giữa các nhà đầu tư tư nhân thông thường và các vụ mua bán-sáp nhập (M&A) có bàn tay can thiệp của nhà nước?

Aixtron, một trong số các doanh nghiệp châu Âu có công nghệ tiên tiến, là một trường hợp nghiên cứu điển hình. Công ty này sử dụng hàng trăm kỹ sư có tay nghề cao và có kinh nghiệm lâu đời, chuyên chế tạo các công cụ tiên tiến cần thiết để sản xuất chất bán dẫn.

Vào năm 2015, Aixtron nhận được một đơn hàng lớn từ Công ty San’an Optoelectronics (gọi tắt là San’an), có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc. Nhưng vào phút chót, San’an bất ngờ hủy đơn hàng khiến cho giá cổ phiếu của Aixtron bị chao đảo. Tháng 5 năm nay, Aixtron đã đồng ý bán mình cho một quỹ đầu tư Trung Quốc có tên là Fujian Grand Chip. Tìm hiểu kỹ thông tin sẽ thấy, San’an lại có rất nhiều quan hệ với Fujian Grand Chip.

Theo Viện Mercator, doanh nhân Liu Zhendong, một người chắc chắn có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc, kiểm soát 51% vốn của Fujian Grand Chip. Phần còn lại thuộc sở hữu của Xiamen Bohao, một quỹ đầu tư của chính quyền địa phương mà cũng có dính líu đến San’an.

Một hồ sơ tài chính cho thấy, vào cuối năm 2014, San’an nợ Bohao 300 triệu nhân dân tệ. Vào năm tiếp theo, một hồ sơ khác lại chỉ ra rằng Bohao nợ San’an 240 triệu nhân dân tệ. Dòng vốn trên không được giải thích cụ thể, song có vẻ như chúng liên quan đến các khoản tài chính mà Bohao đã cấp cho San’an.

Ngoài ra còn những bằng chứng khác. Một doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại Hạ Môn nắm giữ cổ phần trong cả hai công ty Bohao và San’an. Một quỹ đầu tư quốc gia có cổ phần của San’an đã cung cấp tài chính cho việc mua bán Aixtron.

Ba ngày sau khi vụ mua bán Aixtron được công bố, một công ty mới đã được đăng ký tại địa chỉ ở Tuyền Châu. Địa chỉ của công ty mới trùng với địa điểm mà Fujian Grand Chip kê khai khi đưa ra khi đề nghị mua lại Aixtron. Và trong công ty mới này, San’an là một trong số các nhà đầu tư chính.

Những mối quan hệ dích dắc trên không nhất thiết chứng tỏ một hành vi sai trái. Song chúng đã gây ra những nghi ngờ về tính độc lập của các công ty Trung Quốc khi tham gia mua bán các công ty công nghệ cao toàn cầu.

“Mục tiêu của Trung Quốc là “xuất khẩu” chính sách công nghiệp ra nước ngoài để thế chỗ các công ty hàng đầu về công nghệ trong thời gian trung hạn”, ông Heilmann khẳng định.

Ông Heilmann cũng lưu ý rằng, các quan chức Mỹ và châu Âu đã phàn nàn là trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc được sự hậu thuẫn của nhà nước có thể tiếp quản những công ty khác ở phương Tây, thì ngược lại Trung Quốc không cho phép các công ty nước ngoài làm điều đó trong nước mình.

Chiến thuật mới

Bộ Kinh tế Đức khi được phóng viên The New York Times hỏi đã từ chối bình luận về vụ thâu tóm Công ty Aixtron. Các bên liên quan như Fujian Grand Chip, Bohao, San’an và cả ông Liu cũng đều từ chối bình luận. Theo thông báo chính thức của Aixtron, San’an hủy đơn hàng vì “những yêu cầu chất lượng cụ thể không được đáp ứng”.

Việc mua lại các công ty như Aixtron phản ánh một sự thay đổi trong mô hình đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây. Các công ty giàu có của Trung Quốc từng tràn sang châu Âu nhiều năm trước. Họ đã cung cấp một nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp đang ốm yếu của châu Âu, từ hãng xe hơi Thụy Điển Volvo, nhà sản xuất lốp xe Ý Pirelli, nhà điều hành các khu nghỉ dưỡng Pháp Club Med, tới các công ty quản lý cảng tại Piraeus, Hy Lạp.

Nhưng các giao dịch mua bán trong hai năm qua đều nhắm vào những công ty công nghệ quan trọng và những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mang tính biểu tượng. Số giao dịch trong năm ngoái đã đạt mức kỷ lục 20 tỉ euro (22,4 tỉ đô la Mỹ) theo khảo sát bởi nhóm Rhodium Group và Viện Mercator.

Trước đó, chính quyền Đức cũng đã bật đèn xanh cho thương vụ thâu tóm của Công ty Công nghệ Midea (Trung Quốc) với tập đoàn công nghiệp tự động hóa nổi tiếng của Đức - Kuka. Trong thương vụ này, Midea dự kiến sẽ nắm khoảng 95% cổ phần của Kuka và việc thâu tóm sẽ hoàn tất vào tháng 3-2017.

Theo Viện Mercator, hai giao dịch lớn trên (Kuka và Aixtron) đã khiến Đức là đối tác nhận vốn đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, trong năm 2016.

Tại Mỹ, các nhà quản lý đã từng bác bỏ thương vụ thâu tóm của San’an nhằm vào một công ty bán dẫn của nước này vì những lo ngại về pháp lý và an ninh. Trong khi đó, luật pháp tại châu Âu tạo ra ít khung pháp lý cho các chính trị gia ngăn chặn các thương vụ mua bán có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể.

Mới đây, Thủ tướng Theresa May của Anh đã trì hoãn một hợp đồng xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân trị giá hàng chục tỉ đô la, sử dụng vốn Trung Quốc, vì những lo ngại về an ninh. Hợp đồng này mới đây đã được triển khai sau khi Chính phủ Anh đưa vào được một số điều khoản bảo đảm sự can thiệp của chính phủ trong tương lai khi có quan ngại về an ninh quốc gia. Tổng thống François Hollande của Pháp đã cũng đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của công ty Jin Jiang - Trung Quốc muốn thâu tóm tập đoàn quản lý khách sạn Accor của Pháp.

Ở Đức, vụ mua bán Kuka - một công ty mà được các chính trị gia gọi là biểu tượng của sự phát triển kinh tế trong tương lai của đất nước - đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Vậy mà sau khi kiểm tra, Bộ Kinh tế Đức vẫn bật đèn xanh để Midea sở hữu 95% cổ phần của Kuka, bởi thương vụ này “không phạm tiêu chuẩn khắt khe nào để có thể bị ngăn cấm”.

Điều đó cho thấy vụ mua bán Aixtron cũng khó mà ngăn chặn.

Ngoài lý do chính trị, người ta để ý đến nguồn vốn của các công ty Trung Quốc. Trong vụ Aixtron, cả hai đối tượng là khách hàng (San’an) và người mua (Fujian Grand Chip) đều là những công ty nhận vốn của chính phủ để giúp Trung Quốc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Trong khi chưa có bằng chứng vững chắc về việc hai công ty này đã phối hợp với nhau thế nào trong thương vụ Aixtron, nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là cách tiếp cận mới của Bắc Kinh trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước đây, Chính phủ Trung Quốc thường rót tiền cho các công ty lớn của nhà nước. Còn giờ đây, tiền được phân phối cho các quỹ đầu tư của trung ương và địa phương. Các quỹ này lại tuồn tiền vào các dự án thông qua những doanh nghiệp nhỏ như San’an và Bohao.

Các công ty của Đức đã vượt trước Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác về chất lượng và công nghệ. Nhưng giờ đây có những quan ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ mau chóng bắt kịp Đức, với những cách thức như trên. “Rất nhiều người ở Đức lo lắng việc Trung Quốc tiếp quản các công ty công nghệ hàng đầu”, Daniel Bauer, phát ngôn viên của SDK, một nhóm bảo vệ nhà đầu tư Đức, cho biết. “Người ta sợ rằng nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chú ý cách thức chuyển giao bí quyết và không có quan tâm tới việc duy trì các cơ sở vốn có”, ông nhấn mạnh.

Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét