(TBKTSG) - Khi bạn đọc bài viết này, rất có thể chiếc điện thoại hay máy tính xách tay mà bạn đang sử dụng có chứa những hạt cobalt bé xíu được lấy từ Congo. Người lao động ở Congo, trong đó có trẻ em, đang bất chấp tính mạng của mình, để khai thác và cung cấp chất cobalt cho ngành công nghiệp tiêu dùng hiện đại.
Lao động thủ công
Sidiki Mayamba đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới ngay khi mặt trời vừa nhô lên trên một trong những mỏ khoáng sản giàu có nhất tại đất nước nghèo nhất - Congo.
Mayamba, 35 tuổi, là thợ mỏ đào cobalt. Đây là một nguyên liệu quan trọng. Từ thiết bị di động đến xe không người lái - những thứ đang tạo nên “cơn sốt vàng” ở Thung lũng Silicon - đều được xây dựng trên sức mạnh của pin lithium-ion, mà thành phần không thể thiếu là cobalt. Hầu hết các công ty lớn như Apple, Samsung và các hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng đều sử dụng chất này trong sản phẩm của họ.
Còn Mayamba thì không biết gì về vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu này. Anh khoác chiếc áo bụi bặm, cầm chiếc xẻng, vớ cái búa để xuống hầm làm việc suốt ngày đêm. Mayamba không hề có bất kỳ dụng cụ công nghiệp nào, dù chỉ là một chiếc mũ cứng.
“Em có đủ tiền để mua bột hôm nay không?”, anh hỏi vợ trước khi đi. Cô ấy có tiền, nhưng một chủ nợ đã đứng chắn trước cửa. Gia đình anh vẫn còn nợ tiền muối, vì vậy bột mì sẽ phải đợi lần sau. Mayamba cố trấn an vợ, tạm biệt con trai rồi lên đường.
Nhu cầu tăng cao của thế giới đối với cobalt được đáp ứng một phần nhờ những lao động thủ công như Mayamba và cả những trẻ em ở Congo. Theo điều tra của tờ The Washington Post, 60% lượng cobalt trên thế giới có nguồn gốc từ Congo.
Nhưng cái giá phải trả là không rẻ.
The Washington Post dẫn các bằng chứng và số liệu thực tế cho thấy, ước tính có khoảng 100.000 thợ mỏ ở Congo dùng dụng cụ cầm tay để đào hàng trăm mét dưới lòng đất với rất ít sự giám sát và các biện pháp an toàn. Tình trạng tử vong và thương tích của thợ mỏ là phổ biến. Các hoạt động khai thác mỏ khiến cho cộng đồng bị ô nhiễm với các vấn đề về hô hấp và dị tật bẩm sinh.
“Đúng, sự thật là có những đứa trẻ làm việc trong các hầm mỏ”, ông Richard Muyej - quan chức cao cấp nhất ở thành phố Kolwezi của Congo nói. Ông thừa nhận tình trạng ô nhiễm cũng như sự thiếu an toàn trong khai thác mỏ đang diễn ra ở đây. Tuy nhiên, theo ông Muyej, chính phủ quá nghèo nên không thể giải quyết vấn đề. “Chính phủ không phải là người ăn mày. Các công ty phải có nghĩa vụ tạo ra sự thịnh vượng ở nơi mà họ hoạt động”, ông nói.
Những người thợ như Mayamba được gọi là “lao động thủ công”, bởi họ chỉ khai thác bằng... tay. Nhưng lực lượng này tạo ra tới 10-25% lượng cobalt trên thế giới và khoảng 17-40% sản lượng ở Congo. Chỉ tính riêng thợ thủ công của Congo cũng đã khai thác ra lượng cobalt nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Họ chỉ xếp sau những người thợ công nghiệp ở đất nước mình.
Đường đi của cobalt
Cobalt bắt đầu cuộc hành trình của mình tại một mỏ như Tilwezembe. Hàng chục người thợ dùng công cụ thô sơ, chui sâu dưới lòng đất, với những chiếc đèn bằng nhựa giống như đồ chơi. Những người này không hề có bản đồ khai thác hoặc khoan thăm dò. Họ chỉ dựa vào... trực giác. Những gì họ tìm thấy sẽ mang lại thu nhập, thường là 2-3 đô la Mỹ cho mỗi ngày may mắn. Nếu tai nạn xảy ra, thì thân ai nấy lo.
Tại thành phố Kolwezi, cobalt sẽ được mua gom rồi chở bằng xe tới biên giới Zambia. Sau đó, nó được đưa đến cảng biển ở Tanzania và Nam Phi. Từ đây, cobalt được chở bằng đường biển đến châu Á, nơi đặt trụ sở của đại đa số các nhà sản xuất pin lithium-ion lớn trên thế giới. Khoảng 90% cobalt ở Trung Quốc bắt nguồn từ Congo, nơi mà các công ty Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp khai thác mỏ.
The Washington Post đã lần theo đường đi của cobalt, từ các mỏ quy mô nhỏ ở Congo tới một công ty duy nhất của Trung Quốc có tên là Công ty Khai thác quốc tế Congo Dongfang. Đây là công ty con của Zhejiang Huayou Cobalt, một trong những nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới và cung cấp cobalt cho các công ty chế tạo pin. Những công ty này đã sản xuất ra các loại pin lithium-ion được tìm thấy trong các sản phẩm như điện thoại iPhone của Apple.
Việc buôn bán cobalt ở Congo bị chỉ trích trong gần một thập kỷ qua vì những vi phạm nhân quyền trong khai thác khoảng sản. Bộ Lao động Mỹ liệt kê cobalt của Congo là một sản phẩm của lao động trẻ em.
Trả lời thắc mắc của The Washington Post, hãng Apple thừa nhận rằng cobalt từ Congo có thể đã “lọt” vào viên pin trong sản phẩm của họ. Paula Pyers, Giám đốc cấp cao của Apple, cho biết công ty sẽ tăng cường giám sát và làm việc với Huayou Cobalt để làm sạch chuỗi cung ứng.
Một khách hàng khác của Huayou Cobalt, tập đoàn LG Chem, một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, cho hay họ đã ngừng mua nguyên liệu có nguồn gốc Congo từ cuối năm ngoái. Samsung SDI, một hãng sản xuất pin lớn khác, cho biết họ đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, và theo thông tin ban đầu thì mặc dù Samsung có sử dụng cobalt từ Congo nhưng không phải của nhà cung cấp Huayou. Theo The Washington Post, rất ít công ty thường xuyên theo dõi nguồn gốc cobalt từ mỏ cho tới thành phẩm.
Chen Hongliang, Chủ tịch Huayou Cobalt, thừa nhận rằng công ty của ông ít quan tâm tới việc cobalt được khai thác ra sao mặc dù đã hoạt động ở Congo trong suốt một thập kỷ qua. “Đó là thiếu sót của chúng tôi”, ông Chen nói. “Chúng tôi đã không nhận ra”. Ông cho biết Huayou đã lên kế hoạch thay đổi cách mua cobalt. Công ty đã thuê một đối tác để giám sát quá trình này và đã làm việc với các khách hàng như Apple nhằm tạo ra một hệ thống để ngăn chặn sự lạm dụng.
Trên thế giới, nhu cầu cobalt đã tăng gấp 3 lần trong vòng năm năm qua và được dự đoán sẽ tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2020, theo tổ chức Benchmark Mineral Intelligence. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự ra đời của xe điện. Nhà máy pin trị giá 5 tỉ đô la Mỹ của hãng xe điện Tesla ở Nevada, được gọi là Gigafactory, đang gia tăng sản xuất. Hãng Daimler dự định sớm mở một nhà máy pin thứ hai ở Đức. LG Chem cũng sẽ sản xuất pin cho General Motors tại một nhà máy ở Hà Lan. Công ty Trung Quốc BYD đang chuẩn bị xây nhà máy pin mới lớn ở Trung Quốc và Brazil.
Trong khi một viên pin điện thoại thông minh có chứa 5-10 gam cobalt tinh chế thì một viên pin của xe điện có thể chứa đến 15.000 gam. Giá của cobalt tinh chế dao động trong năm qua từ 20.000-26.000 đô la Mỹ một tấn.
Khi nhu cầu tăng thì cobalt khai thác thủ công cũng tăng theo. Loại này thường có giá rẻ hơn các sản phẩm từ các mỏ công nghiệp. Trước áp lực về giá, một số thương nhân quốc tế đã hủy bỏ hợp đồng quặng công nghiệp để lựa chọn mua “hàng thủ công”.
Tại Kolwezi, một thanh tra mỏ đồng ý nói chuyện với phóng viên The Washington Post với điều kiện giấu tên. Ông này đổ lỗi cho các công ty như Congo Dongfang vì đã mua cobalt thủ công rồi chuyển ra nước ngoài. “Họ không quan tâm”, viên thanh tra nói. “Họ chỉ cần bạn mang đến khoáng sản, còn bạn đang bị bệnh hay ốm thì họ không để ý”.
Lao động trẻ em
Không ai biết chính xác có bao nhiêu trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp khai thác mỏ của Congo. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) năm 2012 ước tính có 40.000 trẻ em trai và trẻ em gái làm trong lĩnh vực khai thác cobalt ở phía Nam của đất nước Congo. Một nghiên cứu năm 2007 được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho thấy riêng ở thành phố Kolwezi đã có 4.000 trẻ em làm việc tại các địa điểm khai thác mỏ.
Các quan chức chính quyền địa phương cho hay họ thiếu nguồn lực để giải quyết vấn đề. “Rất khó để đưa các em ra khỏi các mỏ khi không có trường học cho chúng”, ông Muyej, quan chức chính quyền thành phố, nói.
Một trong những đứa trẻ này là Delphin Mutela, 13 tuổi. Khi Delphin lên 8, mẹ em đã đưa em đi theo ra sông để đãi quặng cobalt. Lúc đầu, Delphin được giao nhiệm vụ trông em. Nhưng sau đó nó nhanh chóng học được cách làm. “Nếu kiếm đủ số lượng, em có thể được nhận tiền, khoảng 1 đô la”, Delphin kể với phóng viên. Mẹ em, Omba Kabwiza, cho rằng điều này là bình thường. “Có rất nhiều trẻ em ở đó”, cô nói. “Đó là cách chúng tôi sống.”
(Theo The Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét