TTO - Là khách mời danh dự tại Diễn đàn khoa học quốc tế Heidelberg 2016, lịch làm việc của Vinton Gray Cerf luôn kín mít nên ông chỉ nhận trả lời ba tờ báo và Tuổi Trẻ đã được ông chọn...
Đúng giờ hẹn, tôi được dẫn đến phòng riêng của ông và thấy ông miệt mài làm việc trên laptop.
Ông chủ động bắt tay và hỏi liệu tôi có muốn phỏng vấn ngoài trời?
Ông hóm hỉnh giải thích: “Tôi đã ngồi trong phòng lạnh quá nhiều rồi, giờ cần chút không khí thiên nhiên”.
Hãy luôn bước ra ngoài
* Khó thể tin được ông đã 73 tuổi, ông thậm chí bước nhanh hơn tôi và trông ông đầy
năng lượng.
- Cảm ơn bạn về lời khen. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy rất nhiều người trong cộng đồng khoa học hoặc những cá nhân trong sự kiện này được sinh vào những năm 1920, 1930 và họ vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn.
Việc thường xuyên học tập, tiếp thu cái mới sẽ giúp trí óc của bạn luyện tập thường xuyên, từ đó bạn sẽ thấy mình trẻ trung, năng động hơn.
Có một lời khuyên rất hữu ích cho những người già ở độ tuổi của tôi là hãy luôn bước ra ngoài và học một điều gì đó mới mẻ, điều đó không chỉ tốt cho trí não mà còn tốt cho tinh thần.
* Ông nghĩ gì khi mọi người thường ưu ái nhắc đến ông là “cha đẻ của Internet”?
- (Cười lớn) Thỉnh thoảng tôi thấy buồn vì điều đó nhắc mình đã già, ồ không, tôi đùa thôi.
Tôi nghĩ tôi sẽ vui hơn nếu mọi người nhớ rằng đây không phải là thành quả của riêng tôi, mà có sự góp sức lớn của một vài cộng sự khác.
Chưa kể nếu không có hàng triệu người sử dụng thì “đứa con tinh thần” của tôi sẽ khó thể hoàn thiện và trưởng thành như ngày nay
Một điều tuyệt vời khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc là khi thấy Internet đã trở thành “bàn đạp” cho nhiều công nghệ, ứng dụng mới... tự do phát triển và số lượng người hưởng lợi miễn phí từ Internet ngày càng tăng.
Đặc biệt, sự kết hợp của các công nghệ với nhau giúp cuộc sống con người mỗi lúc một tốt đẹp hơn. Chẳng hạn nếu không có sự kết nối giữa Internet với chiếc điện thoại cầm tay truyền thống thì chiếc điện thoại thông minh khó mà thú vị như hiện nay.
* Được biết ông từng là một đứa trẻ khiếm thính, ông có từng thấy khổ sở, bất hạnh?
- Ít ai biết là tôi sinh non trước 6 tuần. Những năm 1940 mọi người loay hoay, không biết cách xử lý đúng với những đứa trẻ sinh non và điều đó ảnh hưởng đáng kể thính giác của tôi. Mọi việc tốt đẹp hơn khi tôi được đeo máy trợ thính năm 13 tuổi.
Tôi không nghĩ mình quá bất hạnh vì tự thấy bản thân vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều người, sự khiếm thính không là rào cản lớn trong việc hòa nhập, vươn lên dẫu tôi biết rõ ràng mình đã mất một điều gì đó thời thơ ấu.
Và một lần nữa tôi phải nói rằng công nghệ thật tuyệt vời, chúng giúp cuộc sống con người trở nên hoàn thiện hơn.
Tôi chưa từng nghĩ cuộc đời thật bất công, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình là một người khuyết tật mà thậm chí nghĩ rằng cuộc sống đầy may mắn, thú vị.
Cũng có thể nói tôi là một người lạc quan. Cuộc đời của bất kỳ ai cũng có rất nhiều vấn đề, tại sao chúng ta không thử thách bản thân, tìm cách vượt qua thay vì ngồi gặm nhấm nỗi buồn?
Vẻ đẹp cũng là một dạng thông minh
* Và vì cuộc sống có quá nhiều điều thú vị nên ông từng có câu nói “giấc ngủ là một sự lãng phí thời gian ghê gớm”.
- (Cười vang) Bạn biết câu nói đó của tôi à?
Lúc nhỏ thật sự tôi rất ghét ngủ bởi khi ngủ tôi chẳng làm được gì cả, không học được gì mới. Nhưng đó là khi chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ.
Ngoài việc hồi phục cơ thể thì có rất nhiều vấn đề tưởng chừng nan giải sẽ lóe giải pháp sau giấc ngủ.
Vì vậy đến giờ dẫu tôi vẫn thích tình trạng tỉnh táo hơn, nhưng mỗi ngày tôi đều ngủ 5-6 tiếng.
Một điều thú vị là càng già thì chúng ta càng ngủ ít đi và như thế tôi có thêm thời gian cho những điều mình muốn làm.
* Ông là một tên tuổi vang danh khắp nơi, vậy những người con của ông có bị áp lực lớn khi đến trường?
- Có thể tôi sai, nhưng tôi đoán bạn đặt câu hỏi này từ những điều bạn thấy ở văn hóa Á Đông, nơi cha mẹ luôn rất căng thẳng, xem trọng việc con mình có được vào trường xịn, đi làm có việc tốt, lương cao... hay không.
Ở phương Tây đôi khi trường hợp này cũng xảy ra nhưng không nhiều.
Trường học về căn bản thường khiến nhiều đứa trẻ lo lắng, áp lực bởi chúng phải đáp ứng được hệ thống các bài kiểm tra, đòi hỏi liên quan đến trí tuệ, phân tích... hay nói cách khác là thuần IQ.
Cá nhân tôi cho rằng ở mỗi con người đều có những tài năng khác nhau, học toán giỏi là một dạng thông minh, vẻ đẹp cũng là một dạng thông minh...
Khi một đứa trẻ không thể hoàn thành tốt bài tập ở trường, điều đó không đồng nghĩa chúng không thể trở thành một công dân tốt hoặc người thành công, hạnh phúc sau này.
Vì vậy tôi không đặt nặng vấn đề về thành tích học tập và tôi nghĩ các con tôi chẳng mấy áp lực.
Cá nhân tôi từng học một trường trung học bình thường trước khi được vào trường đại học danh tiếng Stanford, một số cá nhân tham gia trong “bộ sậu” tạo ra Internet cũng như vậy.
Thời trung học của tôi có thể tạm gói gọn “vui, đầy hứng thú” vì tôi được khuyến khích làm tốt nhất những gì mình có thể.
* Ông đã đoạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, vậy giải thưởng nào có ý nghĩa lớn nhất với ông?
- Đây là một câu hỏi rất khó trả lời.
Tôi nghĩ sẽ chia ra hai hướng: Với tư cách một công dân Mỹ, việc nhận được giải thưởng Presidential Medal of Freedom (tạm dịch: Huân chương Tự do do tổng thống Hoa Kỳ trao tặng) năm 2005 có ý nghĩa lớn.
Còn tất cả những giải thưởng quốc tế đều khiến tôi cảm kích, đặc biệt là giải thưởng từ chính phủ các nước Anh, Pháp, Nhật...
Nhưng phải nói giải thưởng quốc tế Turing 2004 là cột mốc đáng kể, vì đây là giải thưởng cao quý nhất trong giới khoa học máy tính. Google - nơi tôi làm việc - hiện trao tặng giải thưởng cả triệu USD cho nhà khoa học nào đoạt được giải thưởng trên, tiếc là họ đã không “hào phóng” như vậy thời tôi đoạt giải (cười vang).
3 lời khuyên dẫn lối thành công
* Có chăng một điều mà ông nuối tiếc vì chưa làm được?
- Tôi từng rất thích chơi đàn cello (đàn trung hồ cầm) và chơi đầy say mê thời trai trẻ, có lúc tôi cũng đoạt giải thưởng và được đi lưu diễn.
Nhưng sau đó niềm đam mê toán cùng khoa học máy tính đã chiếm hết thời gian và tôi buộc phải lựa chọn.
Tôi ước gì mình đã theo đuổi đến cùng việc chơi đàn cello và những giai điệu hút hồn của nó.
Nhưng tôi sẽ sớm sắp xếp thời gian quay lại sở thích này dù các ngón tay đã bắt đầu khô cứng, có lẽ bắt đầu từ một căn phòng bít bùng để đảm bảo không ai nghe được tiếng đàn thoát ra.
* Từ kinh nghiệm cá nhân, ông có thể dành cho các bạn trẻ Việt lời khuyên về 3 điều dẫn lối đến thành công, có một cuộc sống ý nghĩa?
- Khi trẻ, bạn đừng sợ hãi những thử thách đầy rủi ro.
Tôi không muốn nói đến những rủi ro ngu ngốc như nhảy từ núi cao xuống, mà thử thách mình làm những điều trước đây chưa từng tin bản thân làm được trong công việc, học tập, sáng tạo...
Có câu nói “Nếu bạn muốn có cái bạn chưa từng có thì bạn phải làm những điều bạn chưa từng làm”. Bên cạnh đó, cảm giác chinh phục được cái mới sẽ rất thú vị, hãy tin tôi.
Kế đến, đừng ngừng tìm kiếm và lưu ý các cơ hội. Đôi khi cơ hội không xuất hiện lồ lộ, có lúc chúng đến từ chính các thất bại.
Điều cuối cùng là hãy luôn học từ tất cả những người xung quanh, ở bất kỳ ai cũng có một điều gì đó mà bạn chưa từng biết, chưa từng trải nghiệm. Đừng định kiến, đánh giá thấp bất kỳ ai.
* Một câu hỏi cuối: ông có từng làm việc với một nhà khoa học hay bạn trẻ người Việt?
- Rất tiếc là tôi chưa có dịp làm việc với nhà khoa học, bạn trẻ người Việt nào trước đây. Nhưng tôi được biết ở đất nước các bạn số lượng người dùng Internet, sử dụng công nghệ gia tăng
nhanh chóng.
Tôi cũng chưa có dịp đến đất nước của các bạn và tôi mong sẽ sớm làm được điều này, vì nhiều người nói Việt Nam là một quốc gia rất xinh đẹp và tôi sẽ có cơ hội được đi thăm một số địa điểm có giá trị lịch sử và nghệ thuật
quan trọng.
***
"Khi tầm 40 tuổi, tôi đón một chiếc taxi ở California do một người đàn ông già nua cầm lái.
Nhìn ông, tôi cảm thấy buồn vì thấy một người ở độ tuổi như vậy vẫn phải bươn chải với công việc không mấy thoải mái mỗi ngày.
Nào ngờ khi trò chuyện thì tôi biết được ông ta là một người rất giàu có và từng làm quản lý tài chính ở Chicago.
Khi nghỉ hưu, ông đã chán đi chơi golf và quyết định chạy taxi để nghe được nhiều câu chuyện hay ho từ mọi người."
***
Huyền thoại của giới công nghệ
Vinton Gray Cerf (73 tuổi, người Mỹ, tốt nghiệp ĐH Stanford) là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới và từng được trao giải thưởng ACM A. M. Turing Award 2004 (cho việc cùng nhà khoa học Robert E. Kahn tiên phong nghiên cứu sự hoạt động của Internet, bao gồm thiết kế và triển khai các giao thức giao tiếp cơ bản của Internet, TCP/IP và về mạng máy tính).
Ông được biết đến như một trong những “Cha đẻ của Internet”.
Khi còn là sinh viên, Vinton đã thiết kế một giao thức truyền dữ liệu cho mạng ARPANET. Trong ngành khoa học máy tính, giao thức là một hệ thống các định dạng và phương pháp truyền thông tin giữa máy tính và các thiết bị khác.
ARPANET sử dụng công nghệ được gọi là “Chuyển mạch gói”, công nghệ giúp mở rộng phạm vi truyền tín hiệu đến các vệ tinh và thiết bị vô tuyến trong mạng lưới nghiên cứu của DARPA (tạm dịch: Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng chuyên sâu Hoa Kỳ).
Mùa hè năm 1973, khi đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Stanford, ông và Robert E. Kahn đã phát triển cho DARPA phần cơ bản của giao thức mạng giúp truyền dữ liệu theo dạng gói giữa nhiều kiểu mạng khác nhau, giao thức trên sau này được biết đến như TCP/IP.IP, “giao thức mạng” vận chuyển các gói dữ liệu từ điểm này sang điểm khác trong khi TCP - “giao thức điều khiển truyền vận” định ra các quy tắc giao tiếp cho 2 điểm đích.
Ông và Robert E. Kahn công bố kết quả này năm 1974. TCP/IP sau đó được Hội đồng Kỹ sư Internet (IETF) thông qua và trở thành giao thức chuẩn cho việc truyền tải dữ liệu trên Internet.
Ông Vinton hiện là lãnh đạo cấp cao tại Google và tham gia cố vấn nhiều dự án, cơ quan lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét