Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Thiện, Ác và Smartphone

Bình An

(TBKTSG) - Mới đây, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng trước đây là Bức xúc không làm ta vô can đã cho ra đời cuốn sách thứ hai với tựa đề Thiện, Ác và Smartphone cũng với nội dung phân tích các vấn đề xã hội nóng bỏng. Cuốn sách này như một tấm gương mà mỗi người dùng Internet trong thế giới hiện đại có thể soi vào, đôi khi bất giác nhận ra mình, hoặc chủ tâm hoặc vô thức cũng đã từng có những hành động “xấu xí” trên mạng, để từ đó tự nhắc nhở và điều chỉnh mình.

Điểm nổi bật nhất trong cuốn sách là dù bàn đến các sự việc cũng như các khái niệm tương đối trừu tượng nhưng lại tràn ngập các ví dụ và dẫn chứng cụ thể. Nội dung cuốn sách chỉ có tổng cộng 272 trang nhưng có tới 197 chú thích, đồng nghĩa với việc cứ hai trang sách lại có trung bình hơn một ví dụ từ sự việc thực tế hoặc các trích dẫn từ các bài báo trong nước, các công trình nghiên cứu nước ngoài. Điều này khiến cho những kiến giải và lập luận của tác giả trở nên vô cùng sống động và thuyết phục.

Tác giả đã đề cập đến khái niệm “căm ghét” qua trải nghiệm không thể nào chân thực hơn của chính ông khi ở trong tâm của một cơn bão căm ghét trên mạng. Tác giả đã ghi lại một cách rõ ràng những cung bậc cảm xúc mà chính ông đã trải qua trong “bảy bước đi của căm ghét”, từ “mặt nóng bừng, khó khăn để tập trung, choáng váng, hoa mắt, không biết phải ứng xử thế nào trước mỗi like, comment động viên hoặc chỉ trích”, rồi đến “không ngủ được, hình dung ra đám đông đang đắc thắng vui cười”... Với tất cả những cảm xúc đó, người đọc như được chứng kiến từng phút sống động của người trong cuộc, từ đó thấu hiểu, thông cảm được nỗi đau của những nạn nhân từ cơn bão căm ghét trên mạng.

Nhưng có lẽ, điểm giá trị nhất của Thiện, Ác và Smartphone lại nằm ở những chương cuối. Sau khi đã đưa người đọc đi qua hết những cảm xúc buồn bã, bức xúc, phẫn nộ, xấu hổ khi chứng kiến những cuộc làm nhục tập thể trên mạng, tác giả đã đưa ra những giải pháp giúp chúng ta “giã từ văn hóa làm nhục”. Đó trước hết phải là một thái độ điềm tĩnh, khoan dung trước các chỉ trích, phê bình. Kế đến là bốn bước của nghệ thuật phê bình người khác - thứ vô cùng thiếu trong văn hóa tranh luận hiện nay, đặc biệt là tranh luận trên mạng khi các bên thường “bỏ bóng đá người”, quên chủ đề chính mà quay sang tấn công nhân cách của người có quan điểm khác biệt. Và cao hơn một bước nữa, tác giả đưa ra những kiến giải về sự tha thứ, nhân phẩm và lòng trắc ẩn. Đây đều là những khái niệm vô cùng nhân văn, đòi hỏi người thực hành không những có trái tim rộng lớn để “đổi kính nhìn”, đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thấu cảm mà còn cần có lý trí đủ mạnh, nỗ lực đủ lớn để chống lại bản năng tự vệ khi bị chỉ trích, thay đổi con tim, thay thế giận dữ và căm ghét bởi thiện chí và sự thanh thản. Cụ thể hơn nữa, tác giả khuyến khích mọi người tham gia vào “dự án trắc ẩn” với việc “cố gắng tích điểm ba lần mỗi ngày: làm một cử chỉ tử tế, dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận”. Nếu làm được như vậy, mỗi người sẽ là một cái cây khỏe mạnh và xanh mát.

Tổng kết lại, Thiện, Ác và Smartphone là một cuốn sách rất đáng đọc. Xã hội đang rất cần những “con dao mổ lạnh nằm trong những bàn tay ấm” như Đặng Hoàng Giang (lời của một nhà báo đã từng nhận xét về ông). 

Bài viết liên quan: