Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Đường ranh đỏ ở Trung Quốc

FB Đặng Văn Thuận

Hồi năm ngoái, Apple đã làm nức lòng hàng triệu người dùng và tín đồ bảo vệ quyền tự do riêng tư cá nhân bằng cách từ chối yêu cầu của chính phủ, cụ thể là FBI, bẻ khoá màn hình một nghi can khủng bố. Apple đã tạo thêm một hình ảnh lấp lánh về một công ty công nghệ biết bảo vệ khách hàng sau những bê bối do thám mà Edward Snowden đã chỉ ra về việc hợp tác do thám thông tin người dùng mà các hãng công nghệ lớn của Mỹ đều có "dính chàm".

Nghĩa là sau sự kiện đó, Apple đã tiếp tục củng cố thêm hình ảnh về một công ty công nghệ đại chúng sẵn sàng từ chối hợp tác với chính quyền để bảo vệ khách hàng của mình bất chấp những nguy cơ trừng phạt hiện hữu từ chính phủ. Nhưng có thực sự luôn thế?

Câu chuyện "làn ranh đỏ" Trung Quốc

Chuyện Bắc Kinh đuổi Google, ngăn chặn Facebook, Twitter, kiểm soát Microsoft, Cisco, Amazon không phải là câu chuyện gì mới. Nhưng mới đây, Bắc Kinh đã buộc một vài đại gia công nghệ của Mỹ nói trên tuân theo quy định của quốc gia toàn trị này về kiểm soát các sản phẩm bán trong hệ sinh thái của họ. Đó là các sản phẩm VPN giúp người dùng bẻ khoá vượt tường lửa ở Trung Quốc.

Dĩ nhiên, chẳng hãng công nghệ nào nói trên, kể cả Apple và Amazon vốn nổi tiếng nhiều lần chống lại lệnh của chính phủ Mỹ, đã răm rắp thi hành. Họ biết, họ không thể vượt qua làn ranh đỏ của Bắc Kinh vạch ra, nếu không, họ sẽ tiếc nuối vì mất đi thị trường rộng lớn nhất toàn cầu này như Google đã từng tiếc nuối.

Riêng với Apple, họ chỉ thông báo một dòng ráo hoảnh, chúng tôi xin lỗi vì phải dỡ bỏ những ứng dụng này vì nó không được cho phép bởi nước sở tại." Điều này làm nhiều người dùng thất vọng, các nhà đấu tranh bảo vệ quyền tự do thông tin internet và tự do ngôn luận tức tối. Đến nỗi, David Kaye, một chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã phải gửi "tâm thư" cho CEO Tim Cook của Apple để bày tỏ sự thất vọng và "hai mặt" của Apple về nghĩa vụ đạo đức trong việc chống kiểm duyệt, chống bàn tay đen can thiệp của chính phủ.

Về phía nhà cung cấp dịch vụ, họ cũng công khai sự thất vọng đối với Apple và lên án công ty này đã tiếp tay cho kiểm duyệt và toàn trị. Như ExpressVPN của Anh đã phải than thở, "hành động này là đe doạ tự do ngôn luận và tự do dân sự (civil liberties)".

Tất nhiên, việc loại bỏ các ứng dụng VPN trên Apple Stores không phải là vĩnh viễn ngăn người dùng Trung Quốc tải về VPN mà chỉ khiến họ khó khăn cập nhật hơn hoặc phải vất vả với nhiều thao tác hơn. Apple với iOS và MacOS là hệ điều hành tiện dụng và dễ dàng nhất cho người dùng có được kết nối VPN. Tuy nhiên, nó không phải là cánh cửa duy nhất. Điều người ta thất vọng ở đây là kiểu hành xử 2 mặt của Apple.

Nhưng ở đây, nhiều người cũng chia sẻ nỗi cảm thông với Apple. Nếu không tuân theo chỉ thị của Bắc Kinh, Apple không những đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường khổng lồ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. 100% các sản phẩm của Apple là được sản xuất tại Trung Quốc.

Đó là về góc nhìn kinh tế. Apple mới đây cũng đã cho thành lập trung tâm dữ liệu và máy chủ (servers center) đặt tại Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc. Nơi đây là bước cụ thể hoá cho sự nhượng bộ của Apple khi phải để Trung Quốc kiểm soát thông tin người dùng, điều mà Apple luôn từ chối, mà trước đó nữa là Google vì đối đầu quá cứng rắn đã bị ép buộc phải ra đi.


Người quan tâm chắc hẳn vẫn còn nhớ, vài tháng trước thôi, CEO Tim Cook của Apple đã dẫn một đoàn hùng hậu đến thăm Bắc Kinh. Ngoài những dự án lớn mà họ đã ký với các đối tác Trung Quốc, trong cuộc gặp Tập Cận Bình và những quan chức an ninh hàng đầu Trung Quốc, Apple đã phải nhượng bộ để Bắc Kinh kiểm soát thông tin và siết chặt lại những "làn ranh đỏ" hoạt động.

Còn Facebook, đã bao lần chàng Mark đã sang Bắc Kinh ve vuốt để xin được dỡ bỏ hàng rào cấm vận. Trong những hành động ve vuốt đó có cả việc chào mời một phần mềm kiểm duyệt, nghĩa là Facebook mời cảnh sát an ninh mạng Trung Quốc vào trung tâm dữ liệu người dùng ở Trung Quốc. Nó tương tự với việc bê những nàng hầu, những công dân trong vương quốc của mình dâng cho địch quốc để đổi lấy lương thực và lợi nhuận vậy. Thế mà Bắc Kinh lắc đầu xua tay làm Mark mấy phen tẽn tò.

Nghĩa là, khó có đại gia công nghệ nào của Mỹ dũng cảm vượt qua "làn ranh đỏ" mà Bắc Kinh đặt ra. Khi bạn to lớn, bạn giàu có, bạn có quyền thiết lập luật chơi buộc kẻ khác tuân theo. Luật chơi đó thường gạt anh chàng "nghĩa vụ đạo đức" (moral duty) qua bên. Và luật chơi với những "làn ranh đỏ" đó không chấp nhận hiệp sĩ.

Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét