TTTG - Kinh tế internet của Việt Nam đang phát triển theo kiểu “mâm mô cũng có” nhưng không có mâm nào đầy đặn.
Tại sự kiện Internet Day 2016 (tổ chức ngày 21/12/2016 tại Hà Nội), chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc điều hành VNG Lê Hồng Minh, đã chứng minh “Việt Nam có một nền kinh tế internet dù rằng quy mô còn nhỏ” bằng những con số của nhiều lĩnh vực.
“Mâm” nào cũng có
Theo số liệu khảo sát của ông Minh, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến năm 2016 của Việt Nam là 390 triệu USD, trong đó thị phần của Google và Facebook là 75%, còn lại là của các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đến năm 2020 quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam là 950 triệu USD. Qua nhiều năm theo dõi tôi thấy rằng quảng cáo trực tuyến đang trên đà tăng trưởng mạnh. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng là 26% so với năm 2015. Quảng cáo qua các thiết bị di động đang có xu hướng tăng mạnh, có thể đạt mức tăng trưởng 40%/năm, chủ yếu trên smartphone”, ông Minh nói.
Thị trường game online năm 2016 có doanh số 320 triệu USD, tăng 17% so với năm 2015 nhờ vào mobile game. Trong những thể loại của game online, mobile game tăng 40%, ngược lại PC game giảm 12%.
Ông Minh chứng minh: “Năm 2012, game online trên PC có doanh thu 220 triệu nhưng vào năm 2016, doanh thu của thiết bị này chỉ còn 170 triệu USD. Ngược lại, doanh thu của mobile game online từ 100 triệu USD của năm 2015 tăng lên 150 triệu USD trong năm 2016”. Năm 2020, theo ông Minh dự đoán, doanh số của game online chừng 640 triệu USD.
Thương mại điện tử (TMĐT) được các chuyên gia của lĩnh vực “kinh tế internet” coi là “mô hình mới nổi” và đang là xu hướng “không thể cưỡng lại” của người tiêu dùng Việt Nam. Tổng giá trị giao dịch hàng hoá qua TMĐT năm 2016 là 900 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2015.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù Việt Nam không tăng tốc mạnh như một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… nhưng với tốc độ của mô hình này mà doanh thu của TMĐT sẽ tăng lên khoảng 2 tỉ USD trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng này sẽ duy trì từ năm 2017 cho đến 2020.
Trong một khảo sát riêng của VNG, ông Minh cho rằng, tỷ lệ thanh toán trực tuyến tăng 55% so với cùng kỳ nhờ số lượng gia tăng người dùng smartphone. Cụ thể tổng giá trị thanh toán trực tuyến năm 2016 là 680 triệu USD, ước tính đến 2020 là 4 tỉ USD. Tỷ lệ thanh toán qua mobile cao hơn tỷ lệ thanh toán qua máy tính khoảng 20%.
Nhiều chuyên gia bình luận, giá trị của mô hình TMĐT sẽ tăng mạnh hơn trong vài năm tới. Theo khảo sát của Euromonitor, năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 tỉ USD thực phẩm, đi lại – 17 tỉ USD, khách sạn – 13 tỉ USD, giáo dục – 8 tỉ USD, sức khoẻ – 7 tỉ USD, dịch vụ và hàng hoá gia dụng: 11 tỉ USD, nhà ở – 11,5 tỉ USD…
Ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng bộ Thương mại, cho rằng nếu doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chú trọng khai thác các dịch vụ trên, giá trị của TMĐT Việt Nam sẽ không thua kém các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Đại diện Mobifone cho biết, hiện quảng cáo trên mạng di động đã góp 17,93% doanh thu, còn ứng dụng là 15,94%, mobile game – 14,46%.
Thời của internet
Ông Tuyển cho biết tỷ lệ đóng góp của internet vào tăng trưởng tương ứng với mức tăng số người sử dụng internet. Theo ông Tuyển, không có sự phát triển của internet, sẽ không có sự tăng trưởng vượt bậc của TMĐT, dịch vụ kho vận, sẽ không thể xuất hiện xu hướng cá biệt hoá doanh nghiệp và nền kinh tế chia sẻ.
Trong vài năm trở lại đây, ghi nhận Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc “bình dân công cụ internet với nhiều tầng lớp khách hàng”. Các nhà cung cấp dịch vụ internet đã đua nhau giảm giá dịch vụ. Dù chậm hơn các quốc gia trong khu vực, nhưng các nhà mạng di động Việt Nam cũng làm mọi cách để người tiêu dùng được tận hưởng dịch vụ 3G (trong năm 2017 sẽ là mạng 4G) với mức giá bình dân.
Năm 2016, theo đánh giá của Word Bank và eMarketer, trong gần 100 triệu dân Việt Nam thì có 25 triệu người đang sử dụng smartphone và 50 triệu người sử dụng internet! Đến năm 2020, sẽ có 50 triệu người sử dụng smartphone và 70 triệu người sử dụng internet. Theo ông Lê Hồng Minh, hai khung tuổi: 18 – 24 và 25 – 34 “sẽ là hai nhóm khách hàng quan trọng của kinh tế internet khi tỷ lệ sử dụng smartphone lên tới 70% và 88% sử dụng internet trong cuộc sống của họ”.
Nhạc trưởng ở đâu?
Việt Nam đã hình thành lĩnh vực “kinh tế internet” dù thế và tầm chưa bằng ai. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nền “kinh tế internet” Việt Nam đang phát triển theo xu hướng tự do, nghĩa là “mạnh ai nấy làm”.
Ông Lê Hồng Minh cho rằng, đừng nên đặt vị trí “nhạc trưởng” vào một doanh nghiệp nào cả. “Dù doanh nghiệp đó có tiềm lực tài chính mạnh đến cỡ nào cũng không thể kéo cả một đoàn tàu đi về phía trước…”.
Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp quy để nhiều lĩnh vực thuộc kinh tế internet phát triển nhưng chưa đầy đủ và hoàn thiện, theo nhiều doanh nghiệp. Nghĩa là các chính sách vừa làm vừa hoàn thiện, theo kiểu dò đá qua sông, nên giới doanh nghiệp không biết đường đâu mà lần, theo bình luận của một giám đốc doanh nghiệp chuyên về dịch vụ thanh toán trực tuyến. Vị giám đốc này còn cho biết thêm, đụng tới chỗ nào cũng thiếu, lại phải “đi xin”, tốn hàng tháng trời, thậm chí vài ba tháng mà chưa chắc đã được việc.
Đã đến lúc cần có một tổ chức hiểu về kinh tế internet, một “nhạc trưởng đủ tầm” thiết kế và hoạch định chính sách để lĩnh vực này phát triển. Đó là mong mỏi đầu xuân của doanh nghiệp kinh doanh số, nền tảng để phát triển kinh tế internet!
Bài và ảnh Trọng Hiền/Theo TGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét