Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Càng nhiều bạn Facebook, người Việt càng thấy cô đơn, bất mãn

Tuấn Anh

VNN - Đó là những phát hiện đáng chú ý, gây kinh ngạc của các chuyên gia khi tiến hành nghiên cứu khảo sát tác động của Facebook tới tâm lý người dùng ở Việt Nam năm 2017.

Sáng 6/9, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) đã tổ chức hội thảo "Tác động của Mạng xã hội tới tâm lý người dùng 2017" tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH & NV), Đại Học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo được thực hiện trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) đang ngày càng phát triển và trở thành sân chơi rộng lớn để giao lưu, chia sẻ và kết nối mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sỹ Cao Hoàng Nam, điều phối viên VPIS cho biết, Việt Nam hiện có hơn 46 triệu người trong tổng số 93 triệu dân thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng MXH. Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009 nhưng nhanh chóng trở thành MXH phổ biến nhất hiện nay, theo nghiên cứu của We Are Social Media tháng 1/2017.

Sự phát triển mạnh mẽ của MXH đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, trong đó có cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. Nó cũng dẫn tới tình trạng mà các chuyên gia thường gọi là "nghiện MXH" hay rộng hơn là "nghiện Internet".

Về vấn đề lệ thuộc hay nghiện Internet, Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM cho hay, hiện trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có định nghĩa chính xác, thống nhất về tình trạng này. Tuy nhiên, ông Công đã đưa ra các tiếp cận khái niệm khác nhau về nghiện Internet, bao gồm cả hai tiếp cận được xem xét rộng rãi, dựa trên nền tảng “rối loạn kiểm soát xung lực" (Impulse control disorder) và "rối loạn sử dụng chất". Tiếp cận rối loạn kiểm soát xung lực cho rằng, nghiện Internet là sự thiếu khả năng kháng cự một hành động có tính bị cưỡng bức hay hành vi mà có thể gây hại cho bản thân hay người khác, và là một nhóm các rối loạn về mất kiểm soát hành vi …”. 

Nghiên cứu của Tiến sĩ Công và đồng tác giả Nguyễn Văn Thọ năm 2015 đối với thanh thiếu niên nghiện Internet ở Đồng Nai đã chỉ ra các dấu hiệu nổi bật của chứng nghiện Internet gồm Sự mất kiểm soát, Sự dung nạp (ngày càng gia tăng), Nói dối gia đình, thầy cô về hành vi truy cập, Có các biểu hiện của hội chứng cai (lo lắng, buồn chán, mất hứng thú) và Ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, công việc, mối quan hệ xã hội.

Sự gắn bó với Facebook tỉ lệ thuận với cảm giác cô đơn, trầm cảm

Tại hội thảo, VPIS đã công bố báo cáo Tác động của Facebook tới tâm lý người dùng 2017, mở đầu cho chuỗi báo cáo nghiên cứu hằng năm về tâm lý người dùng MXH của VPIS, với mong muốn chỉ ra thực trạng sử dụng, các biểu hiện cảm xúc, cảm nhận về giá trị bản thân và mức độ gắn bó của người dùng với MXH này. Các nhà nghiên cứu phát hiện, đối tượng sử dụng MXH ngày càng trẻ hóa, trong đó các nhóm độ tuổi 13 - 19 tuổi và 30 - 39 tuổi tương tác nhiều nhất trên Facebook.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, đồng Trưởng ban nghiên cứu Internet & Cuộc sống thuộc VPIS cho biết thêm: “Báo cáo Tác động tâm lý của MXH với tâm lý người dùng 2017 là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp thực nghiệm 72 giờ không Facebook để đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với Facebook sau 3 ngày. Kết quả đáng chú ý là, gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia. Trong quá trình diễn ra thực nghiệm, những trạng thái cảm xúc thường thấy ở mức cao hơn trung bình là khách thể tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó".

Theo Tiến sĩ Nam, các số liệu khảo sát chỉ ra rằng, khoảng 54% người Việt dùng Facebook đang dành trung bình tới hơn 1 giờ/ngày để truy cập MXH này. Đáng chú ý, càng có nhiều bạn trên Facebook, càng dành nhiều thời gian để truy cập Facebook, người Việt càng cảm thấy cô đơn và ít hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình hơn, thể hiện qua điểm hài lòng với cuộc sống càng thấp, trong khi điểm mức độ cô đơn, căng thẳng và trầm cảm càng cao. Song hành với chúng là xu hướng chăm chút về diện mạo trên Facebook càng lớn và điểm trên thang đo "nghiện" Internet càng cao.

Về thực trạng sử dụng MXH nói chung và Facebook nói riêng của giới trẻ Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Thái, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã trích dẫn kết quả nghiên cứu “Mạng xã hội với thanh niên Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp (GS.Trần Hữu Luyến chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ năm 2012-2015) cho thấy, sinh viên thường sử dụng MXH với mục đích tương tác và giải trí trên mạng ở mức cao nhất, tiếp đó là mục đích thể hiện bản thân (bày tỏ cảm xúc, ý kiến, chia sẻ khó khăn tâm lý) và ở mức thấp nhất là việc sử dụng MXH nhằm kinh doanh và thử nghiệm cuộc sống. Sinh viên sử dụng MXH thường chịu áp lực về mặt thời gian (thời gian sử dụng MXH ngày càng tăng lên) và ảnh hưởng tới các hoạt động sống (học tập, giao tiếp với bạn bè, sức khỏe). Song, ảnh hưởng tới khả năng làm chủ bản thân của các bạn trẻ đối với việc sử dụng MXH là không đáng kể.

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh, với đối tượng học sinh và sinh viên Việt Nam, các số liệu khảo sát chỉ ra rằng, việc sử dụng Facebook dường như đang mang lại các hệ quả tiêu cực nhiều hơn tích cực. Trong đó, các tác động tích cực dường như chỉ mang tính ngắn hạn, chủ yếu giúp các bạn trẻ giải tỏa cảm xúc khó chịu, trốn tránh các khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và hỗ trợ học tập (tìm kiếm, trao đổi thông tin với nhiều người, bạn bè, nhóm, lớp và thầy cô giáo nhanh chóng, tiện lợi qua Facebook). Về tác động tiêu cực, các số liệu khảo sát cho thấy, các bạn trẻ Việt càng dùng MXH nhiều, càng gắn bó với Facebook nhiều thì điểm đánh giá về lòng tự trọng (tự đánh giá bản thân) và điểm hài lòng với cuộc sống càng thấp, điểm trầm cảm và điểm nghiện Internet càng cao.

Giải pháp nào cho chứng nghiện Internet, nghiện MXH?

Với kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu và điều trị nghiện chất ở Việt Nam, Thạc sỹ, bác sĩ Vũ Huy Hoàng đến từ Hiệp hội Y học Nghiện Quốc tế (ISAM) đưa ra nhận định: “Chúng ta có thể thấy rằng hiện tại thế giới đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu, phân loại và đưa ra những tiêu chí chuẩn đoán các rối loạn liên quan đến các ứng dụng trên Internet. Hiện các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm nhớ, thời gian và tần xuất sử dụng ngày càng tăng, mong muốn nhưng không giảm hoặc ngừng sử dụng được, và thậm chí còn sử dụng bất chấp các hậu quả để mà thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nghiện. 

Với các thông tin đã có về nghiện hành vi và nghiện chất, chúng ta hiểu đây là các rối loạn có liên quan đến y sinh - tâm lý - xã hội. Bởi vậy, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất nếu có thể kể cả về mặt thực thể và hành vi, cũng như giải quyết sớm vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, một yếu tố luôn là rào cản lớn trong giải quyết vấn đề nghiện. Trước mắt có lẽ các mô hình can thiệp ở viện, trường hoặc ở các nhóm VPIS sẽ cung cấp thêm thông tin sâu hơn về những biểu hiện, các vấn đề về tâm lý và thể chất liên quan đến sử dụng MXH, giúp chẩn đoán sớm và cung cấp những can thiệp phù hợp”.

Nêu dẫn chứng về hai trường hợp điều trị cho bệnh nhân nghiện Internet gồm một ca thất bại và một ca thành công, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm thuộc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai rút ra kết luận rằng, việc dùng thuốc (hóa dược) trong quá trình này chỉ có tác dụng trước mắt, giúp điều trị các triệu chứng. Liệu pháp tâm lý đóng một vai trò quan trọng, lâu dài trong việc giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng lệ thuộc hay nghiện Internet, trong đó gia đình giữ vai trò chủ chốt. Ở giai đoạn đầu, người bệnh cần được cách ly với nguồn lây và các yếu tố nguy cơ khiến họ lâm vào tình trạng "nghiện". Ở giai đoạn sau điều trị, họ cần được giúp đỡ tái hòa nhập thành công với cộng đồng, cuộc sống hàng ngày bằng cách tìm các nguồn vui khác, tham gia vào các hoạt động phù hợp, có ý nghĩa hơn.

Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng tán đồng quan điểm này. Ông nói, mọi người không cần lo lắng nếu việc sử dụng Internet của họ trong vòng kiểm soát, có khả năng cắt giảm được, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng bình thường của bản thân như học tập, lao động, sinh hoạt hàng ngày và các kết nối tình cảm với mọi người. Chương trình thực nghiệm 72 giờ không Facebook có thể cung cấp một số gợi ý cho các chương trình phòng ngừa hoặc thử nghiệm giúp mọi người nhận diện các dấu hiệu lệ thuộc vào Internet, qua đó giúp cho họ có cách thức cụ thể để kiểm soát việc sử dụng Internet hoặc truy cập MXH, chẳng hạn như thông qua các hoạt động có giá trị hơn, thay thế cho việc sử dụng MXH không mục đích, không hữu ích.


Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét