VOV - Không thể ngăn cấm mạng xã hội mà cần tìm cách thích ứng và tận dụng những mặt tích cực để làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh.
Sáng nay (24/10), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam, Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển thông tin Việt Nam”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, an ninh mạng…
Các tham luận trình bày tại hội thảo khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt với sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ, đa chiều vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông và đời sống xã hội nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, tính 2 mặt của mạng xã hội và truyền thông xã hội ngày càng thể hiện rõ rệt. Về mặt tích cực, mạng xã hội ở Việt Nam đã tạo nên một lượng không nhỏ các “nhà báo công dân” cho phép mỗi người dân chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có thể kế nối Internet đăng tải bình luận, chia sẻ, cung cấp thông tin như một nhà báo trên mạng xã hội. Cùng với xu thế phát triển của thế giới, ở Việt nam, mạng xã hội và truyền thông xã hội trở thành một “quyền lực” có thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông như TV, đài phát thanh, báo in… Song bên cạnh đó, cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, rủi ro.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, trên nền tảng Internet, cùng với báo điện tử, trang thông tin điện tử, những năm gần đây mạng xã hội có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, bộc lộ cả thế mạnh to lớn vốn có và cả những phức tạp, hệ lụy khó lường.
Phải làm gì và làm như thế nào để lợi dụng ưu điểm, thế mạnh; hạn chế mặt trái, tính chất “con dao hai lưỡi” của loại hình kết nối và thông tin này là câu hỏi đặt ra cho cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí, văn hóa, an ninh.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng với thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, mặt trái dễ thấy là thiếu tính chính thống, chính xác, trách nhiệm, khó kiểm chứng. Nhiều thông tin mang tính cá nhân, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân. Không ít thông tin lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lợi ích của cộng đồng, làm phương hại an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, nhận rõ mặt mạnh, mặt tích cực và mặt trái của internet, của báo chí điện tử, mạng xã hội, 8 năm sau khi Việt Nam nối mạng internet, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 52 “Về phát triển và quản lý báo chí điện tử ở nước ta hiện nay” và Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị ban hành ngày 25/12/2003 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, không thể ngăn cấm mạng internet tại Việt Nam, số lượng người truy cập và tốc độ tăng trưởng hàng năm là minh chứng hiển nhiên cho điều đó.
Tuy nhiên, cùng với việc khai thác, sử dụng tốt mặt tích cực của báo chí điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet, cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết những mạng xã hội, website, blog vi phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực internet, viễn thông, báo chí phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội trên internet; quản lý tốt hơn việc xã hội hóa sản xuất hoặc liên kết sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình.
Mặt khác, có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của internet đối với đời sống xã hội; tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý những hành vi sử dụng internet, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT thừa nhận hiện nay mỗi người đều đang sống trong 2 xã hội là xã hội thực tại và xã hội ảo. “Cả 2 đều quan trọng như nhau, đây là xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi”.
Mạng xã hội cho phép kết nối với bất kỳ ai trên thế giới, xóa tan những khoảng cách về địa lý. Song chính những thuận lợi này, cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khó lường. “Giống như biến đổi khí hậu, ban đầu chúng ta cho rằng có thể chống lại, đẩy lùi. Nhưng đến nay, rõ ràng, chúng ta phải tìm ra các biện pháp để thích ứng, sống chung với vấn đề này. Mạng xã hội cũng vậy, rất khó để loại bỏ, tôi cho rằng, chúng ta cần tìm cách thích ứng và tận dụng nó tốt nhất”, TS Kiên nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay một số nơi đang khai thác hiệu quả mạng xã hội khi sử dụng công cụ này trong việc giao tiếp, trao đổi giữa chính quyền và nhân dân, tăng tính tương tác so với những hình thức truyền thống một chiều như trước kia.
Để có thể sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, tránh những tác động xấu, vấn đề mấu chốt nằm ở chính con người. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải tham gia với tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho người dân khả năng tự bảo vệ trước những luồng thông tin xấu, không chính xác.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia này cho rằng, việc khoanh vùng đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội để từ đó có sự giám sát, điều chỉnh, định hướng đúng đắn là điều cần thiết. Bên cạnh đó việc mã hóa nguồn tin và minh bạch nguồn tin sẽ giúp kiểm soát mạng xã hội tốt hơn, dù đây là việc không hề dễ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét