Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Chia sẻ có trách nhiệm thay vì lạm dụng quyền lực ảo

Phạm Trung Tuyến

ANTD.VN - Không phải chỉ đến khi nút share (chia sẻ) xuất hiện trên các phương tiện truyền thông điện tử thì thói quen lan truyền thông tin mới hình thành.

Thuở xa xưa, khi những đứa trẻ mục đồng được truyền tai để hát những bài đồng dao, chúng đã hồn nhiên share (chia sẻ) thông tin theo chủ đích của người khác bằng câu hát vu vơ của mình. Những câu sấm truyền cũng đã được share từ đám đông nọ sang đám đông kia bằng những lời rỉ tai trong phiên chợ. Những câu chuyện quán nước vỉa hè thời kỳ tiền mạng xã hội cũng là một kiểu share thông tin.

Share để lan truyền thông tin, theo cách này hay cách khác, luôn là một giải pháp, một cách thức truyền thông tới đám đông. Trong đó, kẻ được hưởng lợi của việc lan truyền thông tin đó thường chỉ là một, hoặc một nhóm người có chủ đích. Còn đa số những người thực hiện việc lan truyền thông tin thường không biết điều đó. Đa số share để tỏ ra mình là người thạo tin, không bị bỏ lại bên ngoài dòng chảy thông tin.

Sử dụng nút share trên các phương tiện truyền thông điện tử ngày hôm nay, về bản chất, không nhiều khác biệt so với những phương thức lan truyền thông tin truyền thống. Nhưng điều khác biệt duy nhất, lại khiến cho những người sử dụng nút share trở nên nguy hiểm. Đó chính là người sử dụng nút share không vô danh như những kẻ đưa tin ngoài chợ, ở quán nước vỉa hè, hay lũ trẻ chăn trâu.

Nhiều người vẫn hồn nhiên cho rằng việc share những thông tin trên mạng chỉ đơn thuần là truyền đi những tin tức mà không cần phải chịu trách nhiệm gì. 

Bởi họ chỉ dẫn lại nguồn tin. Thông tin đó có chính xác hay không là vấn đề của nguồn tin gốc, còn họ chỉ là trung gian. Sự thật không phải thế.

Khi một người có tài khoản mạng xã hội, và sử dụng tài khoản đó để truyền tin, điều đó đồng nghĩa với việc anh ta đã sở hữu một phương tiện truyền thông riêng, thậm chí, nhiều tài khoản có lượng người theo dõi đông hơn độc giả của không ít tờ báo. Là chủ tài khoản mạng xã hội, có nghĩa anh, chị ta là tổng biên tập một tờ báo, và phải chịu trách nhiệm về bất cứ thông tin nào được đăng tải trên đó.

Nếu như tổng biên tập các tờ báo truyền thống luôn phải áp dụng các nguyên tắc để có thể chịu trách nhiệm về tờ báo của mình thì tổng biên tập của các tài khoản mạng xã hội, không nhiều người biết đến các nguyên tắc đó. Các tờ báo không thể đăng thông tin được cung cấp từ các nguồn tin mà không có sự kiểm chứng. Nhưng các tài khoản mạng xã hội thì lại share mọi thông tin từ các nguồn khác nhau mà không cần kiểm chứng.

Nếu các nguồn tin không đáng tin cậy, việc phổ biến nó khiến các chủ tài khoản mạng xã hội tự biến mình thành công cụ truyền thông cho những mưu đồ, lợi ích của người khác. Điều đó có thể mang đến lợi ích như tăng lượng người theo dõi, các chủ tài khoản mạng xã hội có nhiều thông tin sẽ thấy mình có nhiều quyền lực. Song, khi những thông tin mà họ share không đáng tin cậy, có khả năng gây hại cho cộng đồng, và khi đó, họ trở thành những kẻ tiếp tay. Và họ không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trong tình huống đó.

Lan truyền, phổ biến thông tin cho nhiều người biết, đó có thể là một việc tốt khi đó là những lời cảnh báo có thật, và nhiều người cần biết. Song lan truyền, phổ biến những tin tức giả tạo, có ảnh hưởng xấu đối với cộng đồng thì sẽ như thế nào? Thứ quyền lực ảo trên mạng liệu có xứng đáng để đánh đổi với những trách nhiệm mà họ phải gánh khi lạm dụng việc sẻ chia?

Một tổng biên tập báo hoàn toàn có khả năng phải đối mặt với những vấn đề pháp lý khi đăng tải thông tin không được kiểm chứng. Chủ một tài khoản mạng xã hội không phải những đứa trẻ mục đồng, không rỉ tai như những bà hàng xén, không truyền miệng như những kẻ vô công rồi nghề vỉa hè trà đá, mà đang dùng tài khoản mạng xã hội của mình để đưa tin, như một tổng biên tập báo. 

Những đường link mà chúng ta chia sẻ không phải bài đồng dao lũ trẻ hát vu vơ. Hãy nghĩ về điều đó khi chúng ta sử dụng nút share!


Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét